Các tỉnh Tây Nguyên phát triển đàn trâu bò hàng hoá

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có đàn trâu, bò trên 812.745 con, trong đó, đàn bò có 718.745 con, còn lại là đàn trâu. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư phát triển đàn bò lai nhằm góp phần nâng cao chất lượng đàn bò thịt hàng hoá trên địa bàn. Gia Lai là địa phương có đàn trâu bò nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên, với 397.620 con, kế đến là tỉnh Đắk Lắk có 273.078 con, trong đó, đàn bò lai chiếm 22,7%.

Phát huy lợi thế của vùng có nhiều diện tích rừng, đất rừng, đồng cỏ tự nhiên, các tỉnh Tây Nguyên khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đàn trâu bò hàng hoá. Ngoài việc tạo điều kiện cho các gia đình đồng bào các dân tộc vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển đàn bò hàng hoá, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện hỗ trợ hàng chục ngàn con bò giống cho các gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa phát triển chăn nuôi để từng bước thoát nghèo. Đặc biệt, trước đây, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nuôi trâu bò chỉ giết thịt, trao đổi trong từng thôn, buôn, nhỏ lẻ nhưng nay đồng bào làm chuồng trại, mỗi hộ nuôi cả hàng chục con với các giống bò lai, khi chăn thả có người trông và thực hiện tốt các quy trình vỗ béo bò để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ nuôi bò vỗ béo, hàng trăm gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện M’Đắk, Ea Súp, Ea Kar (Đắk Lắk) mỗi năm đã thu lãi từ 50 triệu đến cả hàng trăm triệu đồng…

Các tỉnh Tây Nguyên hiện nay cũng đã có hàng trăm trang trại chăn nuôi bò hàng hoá. Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 200 trang trại chăn nuôi trâu bò hàng hoá tập trung ở các địa bàn có nhiều diện tích rừng, đất rừng và đồng cỏ tự nhiên như M’Đắk, Ea Súp, Lắk, Ea H’Leo…

Tỉnh Đắk Lắk đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sao Đỏ thuê trên 1.500 ha đất tại xã vùng sâu Ea Lai (huyện M’Đắk) để đầu tư phát triển đàn bò thịt, đàn bò sinh sản với giống bò Brahman nhập khẩu từ Australia. Trước mắt, giai đoạn 1, Công ty đầu tư triển khai 320 ha để nuôi gần 2.000 con bò Brahman và trồng cỏ, ngô để phục vụ thức ăn cho đàn bò. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên tăng trọng bình quân 1,3 kg/con/ngày, khi xuất chuồng đảm bảo trọng lượng từ 600 đến 700 kg/con. Đàn bò thịt của Công ty chủ yếu xuất bán cho thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… Theo ông Đặng Thái Nhi, Giám đốc Công ty, đơn vị có kế hoạch đưa đàn bò thịt, đàn bò sinh sản giống Brahman tăng lên 13.000 con, trong đó có 2.000 con bò sinh sản để góp phần nâng cao chất lượng đàn bò cho địa phương…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tổ chức hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc kỹ thuật trồng, thâm canh các giống cỏ nhập ngoại để đạt năng suất cao, đồng thời, tiêm các loại vắc xin đúng định kỳ nhằm góp phần nâng cao chất lượng cho đàn trâu bò hàng hoá trên địa bàn.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 

Tin liên quan

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổng kết công...

Sáng 04/01/2023, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ...

THÔNG BÁO: Lịch khai giảng lớp đào tạo KỸ THUẬT...

– Ngày khai giảng: Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2021 – Thời gian học: 21 ngày liên tục (học cả thứ 7 & Chủ nhật). – Giảng...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua