Bến Tre: Lối mở cho nhãn hiệu “Bò Ba Tri”

20.9.2017_7h31_bo

Mỗi năm huyện Ba Tri bán ra thị trường gần 30 ngàn con bò giống

Tháng 12-2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho con bò nuôi ở Ba Tri (Bến Tre). Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một người chăn nuôi nào ở đây được sử dụng nhãn hiệu này để hưởng lợi. Hiện đã có một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập như lối mở cho con bò Ba Tri.

Chứng nhận rồi để đó!

Hơn 10 năm qua, gia đình chị Phạm Thị Gương ở xã An Bình Tây, huyện Ba Tri đã duy trì liên tục chục con bò cái sinh sản. Đều đặn mỗi năm, mỗi con bò cái đều sinh một con bò con. Chị nuôi bò con khoảng 6 tháng thì xuất bán. Vài năm gần đây, nếu bò con cái bán chỉ được từ 5 – 12 triệu đồng/con thì bò con đực từ 9 – 17 triệu đồng/con. Trung bình cứ một năm rưỡi là gia đình chị Gương thu vào khoảng 100 triệu đồng từ việc bán bò con.

Để nuôi được 10 con bò cái sinh sản, chị Gương phải chuyển hơn 2,5 công đất trồng rau màu sang trồng cỏ và phải mua hơn 600 cuộn rơm/năm với giá từ 20 – 30 ngàn đồng/cuộn, có thời điểm còn cao hơn. Chừng ấy cỏ và rơm vẫn chưa đảm bảo được nguồn thức ăn cho bò sinh sản, chị Gương phải bồi bổ thêm cám pha nước cho bò uống, khoảng 200 ngàn đồng/con/tháng. Ngoài ra, chi phí gieo tinh 250 ngàn đồng/con/lần. Nếu không thụ thai thì lần gieo tinh tiếp theo được bớt 50 ngàn đồng. Đó là chưa kể đến công lao động vệ sinh chuồng trại cho bò. “Chồng tôi đi biển mỗi tháng cũng được khoảng 7 triệu đồng, đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình và gửi cho thằng con út đi học đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Chứ trong khoảng 3 năm gần đây, giá bò rẻ lắm, trong khi chi phí nuôi bò tăng liên tục nên lãi rất ít, thậm chí có năm còn bị lỗ. Khi nghe chính quyền thông báo, con bò Ba Tri được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tôi mừng và tự hào. Nhưng đến nay, giá cả vẫn không có gì thay đổi, nếu không muốn nói là có thời điểm còn thấp hơn trước kia”, chị Gương chia sẻ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri, hiện đàn bò huyện gần 100 ngàn con (chiếm 1/2 đàn bò của tỉnh), chủ yếu ở hình thức nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Trong đó, bò cái sinh sản chiếm 60%, còn lại là bò con và bò nuôi vỗ béo…

20.9.2017_7h31_bdk1-(1)

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá bò vỗ béo dao động ở mức từ 15 – 18 triệu đồng/tạ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2017 đến nay, giá bò vỗ béo (thịt) cũng chỉ dao động ở mức giá từ 15 – 18 triệu đồng/tạ, với giá này người nuôi chỉ hòa vốn. Trong khi việc tiêu thụ bò giống ra các tỉnh ngoài có dấu hiệu trầm lắng, bão hòa. Thêm nữa, một số thương lái tại địa bàn huyện Ba Tri còn bán bò không đảm bảo chất lượng cho một dự án ở tỉnh Vĩnh Long đã gây khá nhiều tai tiếng cho thương hiệu bò Ba Tri tại địa phương này.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri khẳng định, cho đến nay chưa cấp được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể bò Ba Tri cho bất kỳ đối tượng nào. Dù rằng, có nhiều nông dân chăn nuôi quy mô trang trại, hộ gia đình đã đăng ký tham gia. “Chúng tôi cũng đã nỗ lực tuyên truyền về hiệu quả khi sử dụng nhãn hiệu tập thể bò Ba Tri và được người dân đồng tình đăng ký. Nhưng đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ, cũng như đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Aliat Legal (có địa chỉ tại Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa hướng dẫn, tập huấn cụ thể để triển khai các giai đoạn tiếp theo”, ông Phúc cho biết.

Điểm sáng Gò Da

Tuy chưa được các ngành chức năng hỗ trợ đầy đủ để khai thác nhãn hiệu bò Ba Tri nhưng với nỗ lực của chính quyền địa phương, hiện nay điểm sáng của bà con chăn nuôi bò đã xuất hiện tại ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh. Đó là HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh, với 50 thành viên góp vốn điều lệ 100 triệu đồng, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là chăn nuôi, tiêu thụ và thực hiện các dịch vụ thú y; bán thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc. “Chúng tôi đã vạch ra con đường phát triển rất cụ thể và được nhiều bà con đăng ký tham gia nhưng hiện chỉ mới kinh doanh buôn bán, với số lượng 340 con bò cái sinh sản”, ông Trà Tấn Thanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh chia sẻ.

Theo ông Thanh, hiện HTX tập trung phát triển thương hiệu của bò cái sinh sản. “Bò cái của HTX chúng tôi khi bán ra phải được tiêm 2 mũi vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trước 15 ngày. Khi bán ra tỉnh ngoài, có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện sau kết quả kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN&PTNT). Hiện nay, bò giống được xuất bán từ HTX luôn có giá cao hơn bên ngoài từ 5 – 10 ngàn đồng/kg”, ông Thanh nói.

Về lâu dài, ông Trà Tấn Thanh cho biết sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên vào HTX kinh doanh có lãi khá hơn. Khi có tiềm lực mạnh, sẽ phát triển đầy đủ các ngành nghề kinh doanh của HTX đã đăng ký. Trong đó, kế hoạch phát triển của HTX cũng đã nhắm tới đầu tư giết mổ tập trung và xây dựng gian hàng bán thịt tươi, thịt sau chế biến.

“Tham gia HTX, người nuôi sẽ được hỗ trợ cân chính xác trọng lượng bò khi bán, khắc phục được tình trạng thương lái thường “đánh bò hơi” dưới trọng lượng thực của con bò khi hai bên đàm phán mua bán. Một tạ thịt bò hiện nay khi bán ra thị trường, người nuôi chỉ nhận được khoảng 15 triệu đồng. Nhưng nếu có cơ sở giết mổ có thể bán với giá 18 triệu đồng. Đó là chưa kể thu thêm được tiền bán da, đầu, xương… Hơn nữa còn giải quyết được việc làm cho không ít thành viên HTX. Khi đó, nếu có đầu ra ổn định, chúng tôi sẽ tính đến chuyện kinh doanh luôn thịt bò sau chế biến. Tất cả sẽ đảm bảo chất lượng của nhãn hiệu bò Ba Tri”, ông Thanh bộc bạch.

Ông Dương Văn Chương – Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, huyện đang tập trung hỗ trợ HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh để trở thành điểm sáng đủ sức lan tỏa ra khắp địa bàn huyện Ba Tri. Cùng với đó, huyện cũng đang tập trung tháo gỡ một số khó khăn hiện nay để nhãn hiệu tập thể bò Ba Tri có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người nuôi bò.

15 năm chuẩn hóa đàn bò Ba Tri

Năm 2000, toàn huyện có hơn 32 ngàn con bò, chủ yếu là bò vàng địa phương, loại bò có thể trọng nhỏ, giá trị thịt thấp. Từ năm 2002, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Ba Tri đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện Dự án sind hóa đàn bò giai đoạn 2002 – 2005, dự án Zebu hóa đàn bò từ 2005 – 2010 để nâng cao chất lượng đàn bò Ba Tri bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt như: Brahman, Red Angus… Đây là những loại bò háo ăn, tăng trọng nhanh, khối lượng lớn, chất lượng thịt tốt…

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Tin liên quan

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổng kết công...

Sáng 04/01/2023, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ...

THÔNG BÁO: Lịch khai giảng lớp đào tạo KỸ THUẬT...

– Ngày khai giảng: Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2021 – Thời gian học: 21 ngày liên tục (học cả thứ 7 & Chủ nhật). – Giảng...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua