Các phương pháp vỗ béo bò thịt

Vỗ béo bò trước khi giết thịt là rút ngắn thời gian nuôi để đạt tăng trọng cao nhất trong thời gian ngắn nhất nhằm nâng cao số lượng và chất lượng thịt. Trong giai đoạn này các cơ bắp, mô mỡ, mô liên kết phát triển mạnh nên cần nuôi dưỡng tốt và thức ăn phải giàu năng lượng (thức ăn tinh), giàu glucid (cỏ, rơm,..)

chan nuoi bo

Để vỗ béo bò đạt hiệu quả cần phải nắm vững các yếu tố ảnh hưởng đến việc vỗ béo bò như sau:

– Giống: các giống khác nhau có tốc độ sinh trưởng, phát triển, tạo nạc và mỡ khác nhau. Trên bê đực lai hướng sữa thì mức tăng trọng bình quân của bê đạt từ 500 – 600 gram/con/ngày.

– Tuổi: tuổi giết mổ khác nhau sẽ cho chất lượng thịt khác nhau. Cụ thể như:

+ Dưới 1 năm tuổi: sự phát triển của cơ thể chủ yếu là kết quả của sự tích luỹ các mô cơ và xương, còn mỡ và mô liên kết tương đối thấp.

+ Đến 1,5 tuổi: sự tích luỹ mô cơ cao, còn mô xương tương đối thấp.

+ Sau 18 tháng tuổi: tốc độ sinh trưởng của tế bào cơ giảm xuống thấp, hàm lượng nước giảm, sự tích luỹ mỡ tăng lên, kèm theo là hàm lượng calori cũng tăng lên, còn mô liên kết giảm. Thời gian này do sự trao đổi chất thay đổi, làm giảm khả năng tích luỹ nitơ, cường độ hình thành protein giảm thấp và sự sinh trưởng của tế bào bị kìm hãm, đồng thời tốc độ tích lũy mỡ tăng lên. Cụ thể là khi sơ sinh thành phần protein là 18,25%; đến 18 tháng là 17,18%. Trong khi đó, mỡ tăng tương ứng là 3,64% lúc sơ sinh; 26,74% lúc 18 tháng tuổi. Nếu giết thịt lúc 18 tháng tuổi mỡ tích luỹ trong cơ bắp cao hơn mỡ nội tạng. Trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta, vỗ béo bò ở giai đoạn 22 – 24 tháng tuổi là hiệu quả kinh tế nhất.

– Chăm sóc, nuôi dưỡng: sức sản xuất thịt của bê phụ thuộc trước hết vào mức độ dinh dưỡng. Mức dinh dưỡng cao sẽ đạt được khối lượng thịt gấp 2 lần so với mức độ dinh dưỡng thấp, thành phần thân thịt ở gia súc nuôi dưỡng kém đạt tỷ lệ xương và dây chằng tương ứng là 25 – 30% thân thịt, năng lượng của thịt giảm 40 – 45%. Thông thường, khẩu phần nhiều thức ăn thô thì tỷ lệ nội tạng cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp; ngược lại, khẩu phần nhiều thức ăn tinh thì tỷ lệ thịt xẻ cao, tỷ lệ nội tạng thấp.

– Stress môi trường: Trong môi trường càng nóng ẩm thì việc thải nhiệt càng khó khăn. Do vậy, khi bò bị stress nhiệt sẽ làm hạn chế khả năng thu nhận thức ăn và năng suất giảm.

Trong điều kiện chăn nuôi gia đình, hiện nay có 3 cách vỗ béo bò thường được áp dụng như sau:

(1) Nuôi chăn thả có bổ sung thức ăn tại chuồng: bò cần được chăn thả 8 – 10 giờ/ngày ngoài bãi chăn để tận dụng được nhiều cỏ tươi mà không phải tốn công thu cắt cỏ và vận chuyển về chuồng. Sau khi chăn thả, bò được bổ sung thêm một ít thức ăn tinh và muối ăn.

Cách vỗ béo này thường áp dụng ở những nơi có diện tích đồng cỏ lớn và năng suất đồng cỏ tương đối khá mới đảm bảo mỗi ngày bò gặm được từ 20 – 25 kg cỏ. Tuy nhiên, để tăng năng suất đồng cỏ chăn thả thì đồng cỏ phải được cải tạo, diệt trừ cỏ dại, trồng cây bóng mát, giữ ẩm đất bằng cách tưới nước hay đắp đập ngăn nước để cỏ có năng suất cao.

Dành cho đàn bò vỗ béo ở những bãi cỏ gần nguồn nước, gần chuồng để chăn thả được nhiều giờ ngoài bãi. Nếu khoảng cách từ chuồng đến bãi chăn quá 2 km thì phải làm lán trại ngoài đồng cho bò ngủ qua đêm trong suốt thời gian chăn thả.

(2) Nuôi tại chuồng kết hợp với chăn thả: hình thức vỗ béo này thường áp dụng ở những hộ có diện tích đồng cỏ giới hạn, bò vừa gặm được một phần cỏ ngoài bãi chăn vừa được cung cấp thêm thức ăn tinh tại chuồng. Có thể bổ sung thêm phụ phẩm công nông nghiệp làm thức ăn vỗ béo cho bò như:

+ Bã mía, lá và ngọn mía: cho ăn tươi hoặc ủ chua, 2 – 3 kg/con/ngày

+ Vỏ và mắt dứa: ủ chua, 3 kg/con/ngày, khi ăn thường trộn với thức ăn tinh.

+ Hèm bia: 5 – 10 kg/con/ngày, kết hợp với cỏ họ đậu.

(3) Nuôi nhốt hoàn toàn: đây là phương thức nuôi thâm canh tại chuồng để giảm vận động, nhằm làm cho bò đạt mức tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn để có tỷ lệ thịt xẻ cao, tạo ra các vân mỡ trong các sớ cơ nên phẩm chất thịt được nâng cao, giảm chi phí sản xuất đồng thời tăng hiệu quả chăn nuôi. Sau thời gian vỗ béo khối lượng cơ thể bò tăng từ 15 – 20% so với trước khi vỗ béo.

Những ngày đầu vỗ béo không cho bò ăn khẩu phần vỗ béo ngay, thời gian làm quen khẩu phần vỗ béo có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần. Thức ăn của bò nuôi vỗ béo gồm cỏ tươi, rơm khô, thức ăn tinh (cám hỗn hợp, khoai lang, khoai mì, bắp). Tuần đầu tăng dần thức ăn tinh lên tối đa 1,5kg để tránh rối loạn tiêu hóa; Tuần thứ 2 tăng lên 3kg; Tuần thứ 3 tăng thức ăn tinh tối đa là 6 – 7kg; tiếp tục duy trì lượng thức ăn tinh này cho đến khi xuất thịt. Nên kích thích cho bò ăn càng nhiều càng tốt, cho vận động ít hoặc không cho vận động để bò tăng trọng nhanh, đạt khoảng 1,0 kg/con/ngày.

Lưu ý:

– Trước khi đưa vào vỗ béo bò, người chăn nuôi cần phải tẩy giun, sán cho bò bằng các loại thuốc như: levamisol, albendazole, biomectin…

– Nước uống phải cung cấp thường xuyên và đầy đủ.

Hiện nay, trên thị trường đã có 1 sản phẩm có tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả việc vỗ béo bò thịt đó là Microplex 1000, là sản phẩm đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, có tác dụng kích thích tăng trọng, giảm tiêu tốn thức ăn, tăng trọng lượng xuất thịt, tạo sản phẩm thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn:  Ths. Liễu Kiều – Khuyến Nông TPHCM

Tin liên quan

Hội nghị khoa học công nghệ cấp cơ sở năm 2020...

Ngày 1/10/2020, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương - Viện Chăn nuôi tổ chức Hội nghị Khoa học cấp cơ sở năm 2020 tại...

Vì sao bò không động dục?

Bò đã phối giống đậu thai thì không động dục (lên giống) không đậu thai cũng không lên giống, nguyên nhân và biện pháp...

Chế biến thân lá ngô làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua