“Ông mối” mát tay Lỷ A Tài

“Người gánh 2 vai”, “thủ lĩnh của thôn” hay “chàng trai của các giải thưởng”… đó là những biệt danh do bà con dân bản yêu mến đặt cho Lỷ A Tài – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An (huyện Đầm Hà). Nhưng nghệ danh đặc biệt nhất của chàng trai này chính là một nghề nghe rất lạ tai “dẫn tinh viên” (phối giống nhân tạo trâu, bò). Tuy mới hành nghề được 5 tháng nhưng tiếng tăm và uy tín của chàng dẫn tinh viên trẻ tuổi nhất tỉnh Quảng Ninh đã vang khắp  các thôn, bản khu vực miền Đông…

Đơn giản là tôi thích

Sau mấy cuộc hẹn bị trì hoãn vì nhiều lý do, cuối cùng tôi mới gặp được Lỷ A Tài vào một ngày đầu tháng 4. Con đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đến nhà Lỷ A Tài chỉ dài hơn 20 cây số nhưng phải mất hơn 30 phút chạy xe máy quanh co trên những dốc núi mới tới nơi. Thôn Mào Sán Cáu có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu dân tộc Dao), trong đó hộ nào cũng chăn nuôi ít nhất từ 1-2 con trâu, bò và coi nó là “đầu cơ nghiệp” trong nhà.

Bên trong ngôi nhà mái bằng kiên cố vừa được xây dựng xong còn nguyên mùi xi măng, Tài kể cho tôi nghe câu chuyện hành trình trở thành dẫn tinh viên. Cuối năm 2015, bằng số vốn tiết kiệm, vợ chồng Tài đã đầu tư 100 triệu đồng mua 6 con bò giống về chăn nuôi. Tài nghĩ để nhân rộng mô hình này ra nếu làm theo cách phối giống truyền thống như bà con đang áp dụng sẽ tốn nhiều thời gian trong khi tỷ lệ thụ thai thấp, bê sinh sản ra không được to. Xuất phát từ trăn trở này đã thôi thúc Lỷ A Tài mạnh dạn đăng ký tham gia lớp đào tạo kỹ thuật mới thụ tinh nhân tạo trâu, bò tại Trung tâm Truyền giống gia súc lớn trung ương (tỉnh Bắc Ninh).

Giữa tháng 10/2017, Lỷ A Tài bắt đầu cuộc hành trình vượt núi lên tận Trung tâm để theo ước mơ trở thành dẫn tinh viên. Trong số 10 học viên tham gia khóa học, Lỷ A Tài là học viên trẻ tuổi và duy nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trong khi các học viên khác được địa phương hỗ trợ kinh phí tham gia khóa học thì riêng Lỷ A Tài đã tự nguyện đăng ký, không nằm trong dự án hỗ trợ của địa phương nên phải tự túc lo mọi khoản kinh phí khóa học này.

Lỷ A Tài nói: “Xuất phát điểm là con số 0, chỉ có đam mê làm động lực nên tôi luôn động viên mình phải cố gắng hết sức. Những ngày đầu theo học, thấy kiến thức trừu tượng và khó hiểu. Thế nhưng, học nửa chặng đường được thầy cô hướng dẫn tận tình, thực hành nhiều tôi bắt đầu làm quen dần với từng khâu thụ tinh cho bò”.

Ngoài công việc làm dẫn tinh viên, Lỷ A Tài còn thường xuyên tư vấn, hỗ trợ cho bà con cách chăn nuôi trâu, bò khoa học, hiệu quả

Lương Anh Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp đào tạo kỹ thuật mới thụ tinh nhân tạo trâu, bò (Trung tâm Truyền giống gia súc lớn trung ương) chia sẻ: Tài rất chăm chỉ, tinh thần học hỏi rất cao. Tranh thủ mọi thời gian ôn luyện để nâng cao tay nghề. Khi tiếp cận với các “món võ” phối tinh cho bò giống, Tài xử lý mọi tình huống khá chính xác. Điều quan trọng nhất là Lỷ A Tài rất tâm huyết với nghề. Vì vậy, tôi tin cậu ấy sẽ làm nên điều kỳ diệu…

“Không có nghề nghiệp chân chính nào mang lại lợi ích cho xã hội lại hèn mọn cả”, một danh nhân đã nói vậy, với Lỷ A Tài nghề phối giống nhân tạo cho trâu, bò không chỉ là một nghề bình thường mà còn là một công việc đặc biệt. Nhiều người đã hỏi sao thanh niên trẻ như vậy lại chọn nghề phối giống trâu, bò và anh nói: Đơn giản vì đó là nghề mà tôi thích, vì nó có ích cho người dân quê hương tôi.

“Dẫn tinh viên” tài hoa

Trước đây, ở huyện Đầm Hà đã từng có 2-3 người làm nghề dẫn tinh viên, nhưng chủ yếu làm theo dự án hỗ trợ của nhà nước. Khi dự án kết thúc, thấy nghề này vất vả nên họ cũng bỏ nghề. Đến nay, duy nhất có Lỷ A Tài muốn theo đuổi, phục hồi lại nghề dẫn tinh viên. 1 tháng sau khi hoàn thành khóa học, Tài về quê đầu tư 20 triệu đồng mua sắm trang thiết bị với quyết tâm gắn bó với nghề.

Lỷ A Tài thực hiện thuần thục thao tác giải đông tinh, moi phân trực tràng và bắn tinh cho bò

Ngày 7/12/2017, Tài ghi vào cuốn nhật ký chăn nuôi của mình như kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của nghề dẫn tinh viên, khi thực hiện thành công ca thụ tinh nhân tạo cho bò đầu tiên tại thôn An Sơn, xã Quảng An. Ca đầu tiên làm Tài rất áp lực và tâm lý. Vừa làm Tài vừa nghe rì rầm bên tai mình những tiếng cười, nhiều người còn thốt lên, con bò bị sao vậy? May mắn, ca mở hàng chú bò rất ngoan và hợp tác với dẫn tinh viên nên đã diễn ra suôn sẻ. Sau khi thụ tinh xong, Lỷ A Tài còn phát tài liệu, hướng dẫn bà con theo dõi sức khỏe và sự tiến triển của con bò được phối giống.

“Đầu xuôi, đuôi lọt”, cuối tháng 12/2017, gia chủ gọi điện thông báo bò được thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo đầu tiên trong xã đã đậu con “Nghe thông báo ca phối giống nhân tạo đầu tiên thành công đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều niềm tin vào tay nghề của mình. Mỗi lần phối tinh cho bò xong tâm trạng tôi đan xen nhiều cung bậc cảm xúc. Vui, hồi hộp rồi có khi cả ngày chỉ chờ đợi cuộc điện thoại của bà con thông báo bò đậu thai rồi. Nghĩ đến giây phút những chú bê đầu lòng do mình phối giống chào đời, tôi lại vỡ òa trong hạnh phúc”, dẫn tinh viên 8X – Lỷ A Tài nói.

Tiếng lành đồn xa, tay nghề của Tài ngày càng được nhiều bà con, dân bản biết đến và tin tưởng. Đến nay, ngoài phối giống nhân tạo đàn bò trong huyện, Tài còn mở rộng ra các xã, huyện lân cận như: Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ… Tính đến thời điểm này, Tài đã thực hiện phối giống nhân tạo thành công cho 40 con (30 con bò, 10 con trâu).

Đang trò chuyện thì chuông điện thoại của Tài reo, anh vừa nhận được cuộc hẹn đến thụ tinh nhân tạo bò ở xã Dực Yên (huyện Đầm Hà). Theo chân Tài, chúng tôi vượt quãng đường hơn 30km tìm đến nhà bà Hà Thị Lư, thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên. Bà Lư cho biết, nhà có con bò nuôi được 3 năm nay, mới hôm qua nghe bò kêu đực cả ngày và không ăn gì nên gọi ngay cho Lỷ A Tài đến phối giống.

Đây cũng là lần đầu tiên gia đình bà Lư phối giống cho bò nhà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Những lần trước đó, gia đình bà phải mất nhiều thời gian di chuyển đến chuồng bò đực để phối giống. Có lần địa điểm xa quá phải thuê cả xe ô tô chở bò đi, rất tốn kém. Giờ chỉ cần gọi điện, Lỷ A Tài sẽ đến tận nhà. Chi phí 1 lần thụ tinh nhân tạo cho bò hết 350.000 đồng (rẻ hơn so với cách phối giống bò truyền thống  từ 100.000-200.000 đồng).

Không chỉ mát tay thụ tinh cho bò, Lỷ A Tài còn là dẫn tinh viên nhiệt tình giúp bà con cách chăm sóc, phòng bệnh cho trâu, bò hiệu quả… Trên trang facebook cá nhân Bò giống Đưc Tai Ly của Lỷ A Tài hiện có gần 1.500 người theo dõi. Mọi thông tin, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò đều được Tài chia sẻ với mọi người thường xuyên. Tài ấp ủ phấn đấu, năm 2018 sẽ thụ tinh cho khoảng 30% tổng đàn bò trên địa bàn huyện và tăng lên 70% trong năm tiếp theo. Tin rằng dự định của Tài là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay Quảng Ninh đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi trâu, bò nhưng những người làm dẫn tinh viên như Lỷ A Tài chỉ đếm được trên đầu ngón tay…

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tin liên quan

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổng kết công...

Sáng 04/01/2023, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ...

THÔNG BÁO: Lịch khai giảng lớp đào tạo KỸ THUẬT...

– Ngày khai giảng: Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2021 – Thời gian học: 21 ngày liên tục (học cả thứ 7 & Chủ nhật). – Giảng...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua