Hòa Bình: Vỗ béo bò thịt – Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chỉ sau từ 80-90 ngày chăm sóc theo đúng quy trình được hướng dẫn, người chăn nuôi đã có lãi từ 2- 2,5 triệu đồng/con. Mô hình vỗ béo bò thịt được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình triển khai thời gian qua đang trở thành mô hình chăn nuôi hiệu quả, được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng để tăng thu nhập cho người nông dân và phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh Hòa Bình có diện tích đất phần lớn là đồi rừng, có nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn trong tự nhiên dồi dào, thuận tiện cho việc chăn thả gia súc, trâu, bò sinh sản và nuôi thịt là một trong những nghề truyền thống của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, bà con nông dân chăn nuôi chủ yếu theo phương pháp chăn thả tự do, ít áp dụng tiến bộ KH-KT về giống, các quy trình kỹ thuật, tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính nên việc vỗ béo bò thịt hầu như không có, làm bò chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng thịt thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi vỗ béo bò thịt tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”. Mô hình có quy mô 205 con/70 hộ tham gia tại 2 xã Tử Nê và xã Quy Hậu – huyện Tân Lạc.

Để mô hình triển khai có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông- khuyến lâm huyện Tân Lạc, Ủy ban nhân dân xã Quy Hậu và xã Tử Nê tiến hành chọn điểm, chọn hộ có đủ điều kiện tham gia nuôi vỗ béo bò. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao cho bà con nông dân một số kỹ thuật về chăn nuôi bò thịt, sản xuất và chế biến một số loại thức ăn nuôi bò, kỹ thuật vỗ béo bò, phòng và trị một số bệnh thường gặp, quản lý đàn bò và cách tính hiệu quả kinh tế, đo trọng lượng bò trước khi vỗ béo. Thông qua lớp tập huấn các hộ đã nắm được quy trình vỗ béo bò thịt và lợi ích của việc nuôi bò vỗ béo. Từ đó, các hộ dân quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng xây dựng mô hình.

Khi tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 135 kg thức ăn hỗn hợp/con bò thịt được vỗ béo và thuốc thú y (thuốc tẩy giun, sán, ngoại ký sinh trùng…). Đối tượng bò đưa vào nuôi vỗ béo là bò cái, bò đực không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo hoặc lấy sữa; bò gầy do thiếu dinh dưỡng, bò hướng thịt hết giai đoạn nuôi lớn. Trước khi đưa vào vỗ béo bò được tiêm phòng và tiêm thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng theo quy định. Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: thức ăn hỗn hợp, các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.

vobeo_hbinh

Tham quan một điểm thực hiện mô hình nuôi vỗ béo bào thịt tại Hòa Bình

Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với cán bộ chỉ đạo tại địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện đúng theo quy trình nuôi vỗ béo. Đây là một yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của mô hình. Kết quả, sau 3 tháng thực hiện đàn bò được vỗ béo khỏe mạnh, phát triển tốt: tăng trọng bình quân của đàn bò 728g/con/ ngày, trong khi yêu cầu của dự án tăng trọng bình quân 700g/con/ngày. Như vậy mô hình đạt và vượt chỉ tiêu dự án đề ra. Trừ chi phí thuốc thú y, thức ăn mỗi con bò cho lãi suất khoảng 2- 2,5 triệu đồng/con, tăng hiệu quả kinh tế hơn 15% so với hộ ngoài mô hình.

Bà Bùi Thị Ánh Tuyết, xóm Cọng 2, xã Quy Hậu là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây tôi vẫn nuôi bò lấy thịt nhưng chủ yếu chăn thả tự do, chưa có kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò phát triển chậm và gầy yếu. Từ khi được tham gia mô hình, thông qua lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông, tôi đã nhận biết được tác dụng của việc tẩy ký sinh trùng cho bò trước khi đưa vào nuôi vỗ béo, quy trình nuôi vỗ béo bò để áp dụng, biết cách phối trộn thức ăn hỗn hợp cho bò, cách đo trọng lượng và tính khối lượng tăng trọng của bò. Gia đình tôi nuôi 4 con bò vỗ béo, sau khi theo dõi trọng lượng bò hàng tháng cho thấy trọng lượng bò tăng cao hơn hẳn bò nuôi theo phương pháp truyền thống. Đặc biệt, nuôi nhốt chuồng vừa phòng bệnh được cho đàn bò, vừa đem lại nguồn phân bón cho cây trồng. Tôi mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Từ kết quả mô hình cho thấy vỗ béo bò thịt đơn giản, dễ làm, bò tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, chất lượng thịt và tỷ lệ thịt xẻ cao hơn, thịt mềm, thơm nên giá bán cao. Đây là biện pháp kỹ thuật vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Căn cứ kết quả triển khai mô hình để các cấp chính quyền đánh giá, chỉ đạo nhân rộng giúp bà con nông dân quanh vùng học hỏi, áp dụng.

Mô hình đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, xây dựng nông thôn mới./.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình

Tin liên quan

Bế giảng lớp đào tạo Kỹ thuật phối giống nhân...

Ngày 08/4/2024 tại Trạm lưu giữ và cung ứng tinh giống gia súc – Từ Sơn, Bắc Ninh,  Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương...

Đoàn công tac Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đến...

Ngày 29/3/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã đến kiểm tra và làm việc với Trung tâm Giống...

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua