Hà Nội sẽ xây dựng thương hiệu bò thịt, tại sao không ?

Không tham vọng có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như thịt bò Kobe (Nhật Bản), song một thành phố có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi, tiêu thụ thịt bò như Hà Nội, rất cần một thương hiệu bò thịt.

Chưa phát huy

Sau khi thực hiện chủ trương, đề án phát triển chăn nuôi tập trung theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, ngành nông nghiệp Hà Nội hiện đã xây dựng được một số thương hiệu, sản phẩm chăn nuôi đặc thù, có tiềm năng, lợi thế cao như vịt cỏ Vân Đình, gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, bò sữa Ba Vì…

hoi-thi-bo

Hội thi Bò thịt Hà Nội 2016

Mặc dù bò thịt được nuôi với số lượng lớn, ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân Thủ đô nhưng lại chưa có một thương hiệu chính thức. Từ đó, dẫn tới mọi hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật, giống, vốn… của Hà Nội chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hà Nội), nhu cầu tiêu thụ thịt bò của Thủ đô mỗi năm bình quân khoảng 100.000 tấn, song chăn nuôi bò của thành phố mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể, tính đến tháng 6/2016, tổng đàn bò thịt và bò sinh sản của Hà Nội là trên 125.000 con, tăng trên 1.000 con so với 2015. Sản lượng thịt bò năm 2015 đạt 5.000 tấn, ước tính 2016 đạt trên 6.000 tấn.

Về cơ cấu giống bò thịt, trên 90% bò thịt của Hà Nội là Zebu (lai các giống Brahman, Droughtmaster, Red Sindh, BBB, Angus…), bò cóc hiện chỉ còn dưới 10%. Đặc biệt, trên 61% bò của Hà Nội được lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hiện đại có phân ly giới tính. Nghề chăn nuôi bò thịt hiện tập trung tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Chương Mỹ. Một số nơi hình thành nên những vùng chăn nuôi bò thịt tập trung trên 2.000 con như các xã Minh Châu (Ba Vì), Văn Đức (Gia Lâm), Minh Trí (Sóc Sơn). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quy hoạch được 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm tập trung tại một số vùng có điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi.

“Việc sử dụng tinh bò Red Sindhi phối giống trên nền bò cái lai Zebu để nuôi thịt và chọn bò cái tốt làm giống sinh sản cần được quản lí tốt vì bò Red Sindhi có tầm vóc bé nhất trong các giống bò Zebu cao sản. Nếu không cẩn thận sẽ kéo lùi tầm vóc đàn bò lai của Hà Nội. Riêng đàn bò cái nền vẫn cần có máu Brahman nhằm giữ ổn định tầm vóc cao to, đảm bảo khả năng lai tạo với các giống bò chuyên thịt có năng suất, tầm vóc cao như Red Angus, Black Angus, BBB…”, TS Hà Minh Tuân.

Thương hiệu nào?

Mặc dù ai cũng biết sự cần thiết và hiệu quả của việc xây dựng một thương hiệu bò thịt cho Hà Nội, song lấy thương hiệu gì, định hướng, mục tiêu ra sao lại không hề đơn giản. Theo ông Tạ Viết Hùng, Chủ nhiệm HTX Đầu tư nông trại và phát triển bò Ba Vì, hiện thịt bò ngoại áp đảo thịt bò nội cả về số lượng và giá bán. Tuy nhiên, thịt bò ngoại có giá bán gấp 3,4 lần thịt bò nội chưa hẳn do có chất lượng cao hơn mà chủ yếu khâu giết mổ, chế biến, xây dựng thương hiệu của bò ngoại vượt trội.

Do đó, ông Tạ Viết Hùng đề nghị, ngành nông nghiệp Hà Nội cần sớm bắt tay vào xây dựng thương hiệu bò thịt mang tính địa danh, vùng miền, địa danh để từ đó có những chính sách hỗ trợ, chiến lược, lộ trình phát triển kịp thời khi nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.

Đồng tình với việc Hà Nội cần thiết phải xây dựng được một hay một số thương hiệu bò thịt có tầm cỡ, ít nhất là trong nước, TS Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương (Viện Chăn nuôi) cho rằng, cần phải bắt đầu từ khâu con giống. Mặc dù có tỉ lệ bò lai cao hơn bình quân cả nước, song công tác giống bò thịt của Hà Nội còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, Hà Nội hiện chưa có một giống bò lai hướng thịt nào được cố định về di truyền giống và công nhận là một giống mới. Thứ hai, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đánh giá, bình tuyển bò lai hướng thịt. Bên cạnh đó, việc bình tuyển, đánh giá đàn bò cái nền chưa tốt. Thứ ba, công tác ghi chép số liệu quản lí con giống còn thiếu và yếu, do không xác định được bò thịt lai bao nhiêu giống, bao nhiêu máu. Từ các lí do trên dẫn tới không tạo được đàn bò thịt hạt nhân làm giống.

Vì vậy, với định hướng cụ thể tới năm 2020 tăng quy mô đàn bò thịt lên 150.000 – 155.000 con (tăng 19 – 23% so với hiện nay) với sản lượng thịt xấp xỉ 8.000 tấn, theo TS Hà Minh Tuân, ngành nông nghiệp Hà Nội ngoài việc tiếp tục hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò ngoại chất lượng cao cần phải giải quyết đồng bộ những hạn chế trên.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, không tham vọng giá trị lớn như thịt bò Kobe (Nhật Bản), nhưng thời gian tới Hà Nội sẽ quyết tâm xây dựng thương hiệu bò thịt. Để hoàn thành mục tiêu này, Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo vùng, xã trọng điểm gắn lợi thế vùng. Gắn kết chăn nuôi nông hộ theo mô hình HTX, hội, chi hội với vai trò đầu tàu là doanh nghiệp. Tập trung vai trò quản lí nhà nước trong việc siết chặt khâu phối giống. Làm việc với một số đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc nghiên cứu, khảo sát mô hình chợ đấu giá nông sản, trong đó có khu đấu giá gia súc…

Ông Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Gia súc lớn Trung ương hoan nghênh việc Hà Nội có chủ trương xây dựng thương hiệu bò thịt. Hiện nhu cầu tiêu thụ thịt bò của Việt Nam là rất lớn, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Song song với việc xây dựng thương hiệu Hà Nội cần chú trọng yếu tố môi trường, quy trình chăn nuôi, giết mổ và chợ đầu mối đấu giá.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin liên quan

Bế giảng lớp đào tạo Kỹ thuật phối giống nhân...

Ngày 08/4/2024 tại Trạm lưu giữ và cung ứng tinh giống gia súc – Từ Sơn, Bắc Ninh,  Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương...

Đoàn công tac Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đến...

Ngày 29/3/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã đến kiểm tra và làm việc với Trung tâm Giống...

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua