Sáng 10/1, Viện Chăn nuôi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhấn mạnh, năm 2024 là một năm đầy thách thức nhưng cũng ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể.
Cụ thể, Viện đã thực hiện 80 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, bao gồm: 8 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 32 nhiệm vụ cấp Bộ, 10 dự án hợp tác quốc tế và 30 nhiệm vụ phối hợp với địa phương, doanh nghiệp. Tất cả các nhiệm vụ đều được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, Viện đã xây dựng và trình Bộ ban hành kế hoạch, nhiệm vụ ưu tiên triển khai giai đoạn 2026-2030 thuộc Đề án “Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030” theo Quyết định số 3490/QĐ-BNN-CN ngày 15/10/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Năm 2024, Viện cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, bao gồm việc công nhận 1 giống gà mới (gà PHD) và 6 tiến bộ kỹ thuật.
Ngoài ra, Viện tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất, mở rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã. Số lượng con giống được chuyển giao đạt và vượt kế hoạch: gà giống các loại (5,9 triệu con) đạt 105%; vịt 1 ngày tuổi (2,9 triệu con) đạt 116%; trâu, bò giống (536 con) đạt 243% so với năm 2023; giống lợn các loại (3.627 con) đạt trên 96% kế hoạch năm 2024.
Cùng với thành tích đạt được về nhiệm vụ khoa học, Viện Chăn nuôi có hai nhà khoa học đã được vinh danh là "Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2024 là TS. Nguyễn Thị Mười và TS. Nguyễn Văn Đại.
Song song với các nhiệm vụ khoa học, Viện tổ chức thành công lễ tổng kết 30 năm công tác đào tạo tiến sĩ, thu hút sự tham dự của nhiều cựu nghiên cứu sinh, các thầy cô hướng dẫn và các đối tác liên kết đào tạo. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về đào tạo tiến sỹ, xuất bản tạp chí. Thông tin và thư viện cũng được triển khai thường xuyên và kịp thời.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT, đánh giá cao nỗ lực của Viện Chăn nuôi trong việc vượt qua thách thức và thực hiện nhiều nghiên cứu có giá trị thực tiễn.
Phó Vụ trưởng kì vọng trong năm 2025, Viện sẽ tập trung đưa ra các đề xuất khoa học phù hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăn nuôi để tiết kiệm thời gian và gia tăng tính ứng dụng.
Bà cũng khuyến nghị Viện mở rộng nghiên cứu về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và sinh học, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên để gia tăng giá trị sản phẩm và bù đắp hạn chế về kinh phí nghiên cứu.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho rằng, việc hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới giống vật nuôi và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ là vô cùng quan trọng.
Trong đó Viện cần lưu ý về việc phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng cường phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần được xây dựng trên nền tảng thặng dư do nông dân tạo ra". Ông đánh giá cao vai trò của nông nghiệp và nông thôn trong sự phát triển vượt bậc của đất nước, đồng thời khẳng định rằng đổi mới khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng yêu cầu Viện Chăn nuôi tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý an toàn sinh học. Đây là những yếu tố quan trọng để ngành chăn nuôi đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, TS. Phạm Công Thiếu cam kết quán triệt nghiêm túc và đề ra phương hướng cụ thể cho năm 2025.
Trong đó, Viện triển khai cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tập trung vào các thế mạnh của Viện.
Đồng thời xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể, dài hạn có mục tiêu, chủ đề, lộ trình rõ ràng để tham mưu cho Bộ triển khai thực hiện nhằm góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế của những con giống chất lượng cao, có thế mạnh của Viện.
Chủ động liên doanh, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn vốn phát triển và đầu tư cho công nghệ theo yêu cầu của ngành, địa phương và thực tế sản xuất.
Tiếp tục mở rộng mô hình liên kết liên doanh với các doanh nghiệp, trang trại và HTX để mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo đủ nhu cầu con giống cung cấp cho sản xuất với phương châm hai bên cùng có lợi, nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thơ Thơ
Nguồn: https://nongnghiep.vn/vien-chan-nuoi-chuyen-giao-gan-9-trieu-con-giong-nam-2024-d417035.html