Đảm bảo đủ ấm, đủ no, đủ thuốc phòng dịch
Ông Nông Văn Quang trú tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đang chăn nuôi 13 con trâu các loại. Là hộ chăn nuôi có kinh nghiệm tại địa phương, ngay từ đầu tháng 11, ông Quang đã chủ động tích trữ thức ăn khô cho mùa đông, chuẩn bị bạt che chắn, tránh mưa tạt gió lùa vào chuồng trâu.
“Mùa mưa rét kéo dài thường có nguy cơ thiếu nguồn thức ăn cho vật nuôi. Một vài năm trước đây đã từng xảy ra tình trạng thiếu thức ăn do thời tiết cực đoan, không thể chăn thả trâu. Do đó, ngay từ cuối tháng 10, tôi đã tranh thủ dự trữ rơm khô làm thức ăn cho trâu trong quá trình nuôi nhốt tránh mưa rét”, ông Quang cho hay.
Ngoài ra, ông Quang còn dự trữ thêm thức ăn tinh bột như cám, muối, đường... để tăng nguồn thực phẩm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Ông Quang cũng sửa chữa lại chuồng trại nuôi, cam kết không chăn thả bò vào các thời điểm rét đậm, rét hại. Trong điều kiện rét kéo dài cũng chuẩn bị đắp chăn, sưởi ấm cho đàn trâu. Chuồng trại nuôi được vệ sinh, lót thêm rơm khô nhằm góp phần giữ ấm cho vật nuôi.
Tại xã Nga My, chăn nuôi trâu, bò giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định với tổng đàn tương đối lớn. Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Ngoài nguồn cỏ tươi trên, các hộ còn dự trữ thêm rơm khô và các loại thức ăn tinh. Qua kiểm tra bước đầu, các hộ nuôi đều chấp hành tốt quy định về bảo vệ an toàn đàn gia súc.
Bổ sung chất dinh dưỡng vào thức ăn cho vật nuôi
Theo ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương, bà con cần chủ động gia cố, che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm không bị mưa tạt, gió lùa.
Thường xuyên thay chất độn chuồng và hạn chế rửa chuồng (nhất là lợn con theo mẹ và lợn mới cai sữa). Cần dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Chuẩn bị bao tải gai, bao tải dứa, chăn len để chống rét cho đàn vật nuôi.
Trâu, bò cần cho đủ no (một con trâu, bò trưởng thành cần ăn 10% khối lượng cơ thể thức ăn thô, xanh và 1% khối lượng cơ thể thức ăn tinh). Một con trâu, bò nặng 300 kg thì 1 ngày cho ăn 30 kg thức ăn thô xanh và 3 kg thức ăn tinh. Những ngày trời rét, để tăng cường sức đề kháng cần cho trâu, bò uống nước ấm có pha thêm muối ăn, bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex, điện giải...
Vào mùa đông, lượng thức ăn xanh rất khan hiếm nên cần dự trữ rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác ngay sau khi thu hoạch để ủ chua và cho trâu bò ăn với lượng như sau: đối với trâu bò chăn thả cho ăn 5 - 6 kg/con/ngày, đối với trâu bò cày kéo cho ăn 10 - 15 kg/con/ngày và cho ăn thêm cỏ xanh, rơm.
“Những ngày thời tiết có nhiệt độ từ 13-15 độ C, bà con hạn chế chăn thả trâu bò, cho ăn tại chuồng hoặc cho trâu bò đi muộn về sớm. Che chắn chuồng trại và sưởi ấm cho gia súc đặc biệt là gia súc non. Những ngày thời tiết rét hại dưới 12 độ C khi có sương muối và băng tuyết vào ban đêm, sáng sớm, nhốt gia súc trong chuồng, có che chắn và cho ăn, uống đầy đủ và sưởi ấm. Mặc áo chống rét cho trâu bò nhất là trâu bò già và bê nghé. Chỉ thả trâu bò ra ngoài khi đã tan sương, có nắng”, ông Hà đề nghị.
Trong mùa đông, người dân duy trì tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch. Hàng ngày bà con chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi và có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời khi con vật ốm.
Phát hiện sớm khi vật nuôi bị một số bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu phi, tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm... phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.
Quang Linh
Nguồn: https://nongnghiep.vn/phuong-cham-3-du-trong-phong-chong-doi-ret-cho-gia-suc-d409728.html