Manh nha các công nghệ mới xử lý chất thải trong chăn nuôi

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 công trình biogas với trên 8 triệu hộ chăn nuôi, tỷ lệ sử dụng biogas chưa đầy 10%. Và thực tế, số lượng hầm biogas bị quá tải do vận hành sai hiện đang rất lớn.

Xô bồ, tùm lum

Phải ghi nhận một thực tế, biogas là công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt nuôi lợn khá hiệu quả hiện nay vì giá cả tương đối phù hợp. Nhưng biogas chỉ là một công đoạn trong cả hệ thống xử lí chất thải, bởi để nước thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn cần kết hợp thêm nhiều công đoạn quan trọng khác.

12-42-46_img_0888-1-300x199

Công nghệ biogas bị quá tải do chăn nuôi quy mô lớn tại Việt Nam

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Phòng Môi trường Chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) thừa nhận, thời gian qua việc phát triển chăn nuôi quá nóng, hệ thống biogas có phần xô bồ chạy theo xử lý chất thải nên chất lượng công trình chưa được chú trọng đúng mức.

Bởi nếu áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật 1,5 – 2m3/1 con lợn, thời gian xử lí yếm khí đủ 45 ngày, về cơ bản xử lí được mùi hôi cũng như giảm khối lượng chất thải xuống còn rất nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, vận hành nhiều hộ chăn nuôi vì không tuân thủ đúng quy trình hoặc do tiết kiệm xây dựng làm sai, từ đó khiến nhiều hệ thống biogas không phát huy được công dụng.

Là người chuyên SX và cung ứng bể biogas composite tại Việt Nam, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Quang Huy, Đàm Trọng Hân phải lắc đầu ngao ngán trước thực trạng bát nháo, tùm lum của bể biogas trên thị trường hiện nay.

Theo ông Hân, không tự dưng người ta quy định 1,5 – 2m3/con lợn, bởi các nhà sản xuất họ đã tính toán rất kỹ lượng chất thải bình quân con lợn thải ra mỗi ngày. Thông thường, một bể biogas composite 9m3 chỉ đáp ứng được cho khoảng 20 con lợn đổ lại, nhưng vì lợi nhuận, tiết kiệm nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi vẫn nhắm mắt lắp cho cả trại lợn 30 con, 50 con, thậm chí ông Hân còn chứng kiến có trại nuôi 100 con lợn cũng lắp bể biogas 9m3 thì không bể nào chứa hết.

Đặc biệt, theo ông Đàm Trọng Hân, bể biogas chỉ là công đoạn đầu trong xử lí chất thải, với nhiệm vụ chính giảm sinh khối và hạn chế mùi. Cụ thể, chất thải khi qua biogas nếu đúng quy trình giảm được tới 80 – 90% sinh khối. Tiếp theo, nước thải màu đen chảy ra từ bể biogas phải trải qua công đoạn lắng, lọc, sục khí mới đủ tiêu chuẩn thải ra môi trường. Việc người chăn nuôi hiện nay có quan niệm chất thải cứ qua xử lí biogas rồi là có thể thải ra ao hồ, sông suối là hoàn toàn sai lầm.

Thiếu khâu ‘hậu biogas’

Có một thực tế nhiều chuyên gia và ngay cả đơn vị chuyên làm bể biogas như ông Đàm Trọng Hân đều nhận thấy, mô hình biogas chỉ phù hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ, với những trang trại hàng nghìn hay chục nghìn con lợn, để xử lí chất thải bằng công nghệ biogas bất khả thi bởi nó đòi hỏi diện tích đất xây dựng quá lớn. Bên cạnh đó, hiện ngành chăn nuôi mới chỉ quan tâm tới khâu trước và trong biogas, khâu vô cùng quan trọng khác là sau biogas vẫn bỏ ngỏ.

12-42-46_imge2-1-300x224

Công nghệ máy ép phân trước biogas đã bắt đầu hình thành, song còn thiếu công nghệ hoàn chỉnh sau biogas

Trước đòi hỏi từ thực tiễn thông qua sự hình thành những trại lợn tập trung với quy mô hàng chục nghìn con, thời gian gần đây trên thị trường bắt đầu manh nha xuất hiện các công nghệ mới xử lí chất thải trong chăn nuôi như: máy ép phân trục vít, máy ép phân băng tải và hiện đại nhất là máy ép phân màng lọc phân tử.

Theo đó, chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt là chất thải lẫn nước trong chăn nuôi lợn sẽ được thu vào một hệ thống bể chứa. Sau đó, hệ thống máy ép sẽ hút tất cả chất thải lên và xử lí ép khô chất thải rắn và lỏng tách biệt ra. Chất thải rắn được xử lí bằng chế phẩm sinh học để thành phân bón phục vụ trong trồng trọt.

Chất thải lỏng được đưa vào hầm biogas để xử lí, song khối lượng còn rất nhỏ, chỉ bằng 10% so với sinh khối ban đầu, nên áp lực về diện tích phải làm bể biogas kích cỡ quá lớn giảm xuống. Được biết, hiện một số doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn như Vinamilk, TH, Hoàng Anh Gia Lai, Thái Dương… đang triển khai áp dụng công nghệ ép phân này.

12-42-46_imge3-1-300x224

Ảnh: Nguyên Huân

Tuy nhiên, có một hạn chế là giá những chiếc máy ép phân nhập khẩu hiện khá đắt, lên tới vài tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng nên những trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa có điều kiện trang bị.

Song, có một tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp trong nước, điển hình như Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Quang Huy đang bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ xử lí chất thải trước và sau biogas một cách đồng bộ. Sau khi trang bị cho các hệ thống này, chất lượng nước thải đủ tiêu chuẩn quay vòng trở lại để tắm rửa cho lợn, vừa tiết kiệm chi phí lại hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện, nước thải chăn nuôi đang được quản lí theo QCVN62-MT:2016/BTNMT do Bộ TN-MT ban hành tháng 4/2016, song việc áp dụng trong thực tế vẫn là dấu hỏi lớn.

Do đó, nhiều cơ quan quản lí và đơn vị chuyên môn cho rằng, trước khi các doanh nghiệp tự giác hoàn thiện các quy trình xử lí chất thải, nhà nước cần ban hành các chế tài mang tính bắt buộc nhằm quản lí cũng như thanh, kiểm tra, xử lí vấn đề môi trường trong chăn nuôi.

Nguồn: báo Nông nghiệp Việt Nam

 

Tin liên quan

Bế giảng lớp đào tạo Kỹ thuật phối giống nhân...

Ngày 08/4/2024 tại Trạm lưu giữ và cung ứng tinh giống gia súc – Từ Sơn, Bắc Ninh,  Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương...

Đoàn công tac Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đến...

Ngày 29/3/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã đến kiểm tra và làm việc với Trung tâm Giống...

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua