Thừa Thiên Huế: Sinh sôi những đàn bò

Trên những quả đồi, giữa những cánh rừng tràm… đàn bò cao lớn vàng ươm thong dong gặm cỏ. Đó là hình ảnh quen thuộc ở Hồng Thủy, A Đớt, Đông Sơn, Hương Phong hay ngay tại thị trấn A Lưới (Thừa Thiên Huế).

untitled-1

Nông dân A Lưới chăm sóc đàn bò của gia đình

Tìm vợ chồng anh Đặng Ngọc Tuấn, chị Hà Thị Mộng Xuân (thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy), ấn tượng nhất là đồng cỏ xanh mơn mởn ngút mắt. Đó là loại cỏ VA06 cao sản có hàm lượng dinh dưỡng cao so với những loại cỏ khác.

Anh Tuấn cùng cậu con trai lớn đang thái cỏ bằng máy. Đám bò “chăm chú” hóng đống cỏ đã thái mịn mỗi lúc càng vun cao. Người nông dân ngoài 40 tuổi bụm hai bàn tay to bè vốc từng vốc lớn rải đều xuống chiếc máng. Sáu con bò cao lớn và một chú bê con đủng đỉnh “cuốn” thức ăn bằng những chiếc lưỡi ram ráp. Anh Tuấn cười mộc mạc nhớ lại ngày vợ chồng “xăng xái” chuẩn bị trở thành “chủ bò” khi có chủ trương của huyện.

Cuối năm 2015, khi huyện triển khai phát triển đàn bò, mỗi hộ tham gia được Ngân hàng Nông nghiệp PTNT cho vay vốn để mua từ 3 đến 10 con bò, mỗi con nặng từ 140 kg trở lên. Người nuôi bò được huyện hỗ trợ 70% lãi suất trên số tiền vay, 50% chi phí phối giống, hỗ trợ 300.000đ/250m2 đất/1 con bò, 3 triệu đồng/chuồng bò và 1,4 triệu đồng/máy thái cỏ… Tuy nhiên để vay được vốn nuôi bò, hộ gia đình phải có tài sản thế chấp, có nhân lực, có ruộng trồng cỏ. Nhưng anh hiểu điều quan trọng nhất đối với người nông dân là phải có “lửa” khi chăm sóc đàn bò.

“Sau nhiều đêm bàn bạc kỹ, vợ chồng tôi đã quyết định” bắt tay chuẩn bị “cơ sở hạ tầng”, làm chuồng, làm đất, kiếm giống cỏ về trồng, sắm máy thái cỏ sau đó thế chấp “sổ đỏ” vay vốn tậu sáu con bò”, anh Tuấn vui vẻ kể.

Hướng mắt về phía đàn bò 30 con cao lừng lững, lông vàng ươm đang thong dong gặm cỏ xa xa trên quả đồi phía ngoài khuôn viên vườn nhà, người con trai lớn của ông Phan Hưởng ở thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy, chia sẻ: Bước đi mới, tiến bộ của nông dân khi tham gia thực hiện đề án phát triển đàn bò của A Lưới chính là phải biết trồng cỏ, những loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao, chủ động chuẩn bị nguồn thức ăn cho bò, làm chuồng trại đúng kỹ thuật, tận dụng rơm khô sau mùa gặt để dành, thay vì nuôi bò thả rong kiếm ăn bằng lau lách như trước đây.

Trước đây, người nuôi “mặc kệ” bò phối giống tự nhiên “được chăng hay chớ”. Nay đề án hỗ trợ 50% kinh phí. Giống phối để phát triển đàn bò phải “ưu tú”, để cho ra những lứa mới cao lớn, mạnh khỏe. Con trai ông Kôn Hý (thôn Ta roi, xã A Ngo) ngồi ngắm 3 “chú” bò béo tốt “Biết là mình cho nó ăn đầy đủ, nhưng để nó ở trong chuồng mãi đâu có được. Phải để nó vui vẻ, thoải mái, nó mới chóng lớn, chóng đẻ”. Người thanh niên nói, bây giờ gia đình cậu chỉ có điều kiện nuôi 3 con, nhưng với sự chăm chút của tất cả thành viên trong nhà, sự hỗ trợ của cán bộ thú y, cán bộ phòng nông nghiệp huyện, mấy năm sau chắc chắn đàn bò sẽ tăng gấp đôi, gấp ba…

Theo kế hoạch, huyện A Lưới sẽ tăng số lượng đàn bò lên thêm 600 con. Hiện số hộ tham gia đề án là 108 hộ với 573 con/13 xã (huyện A Lưới có 21 xã).

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế

Tin liên quan

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổng kết công...

Sáng 04/01/2023, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ...

THÔNG BÁO: Lịch khai giảng lớp đào tạo KỸ THUẬT...

– Ngày khai giảng: Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2021 – Thời gian học: 21 ngày liên tục (học cả thứ 7 & Chủ nhật). – Giảng...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua