Phất lên nhờ bò sữa

Nhờ chăn nuôi bò sữa mà nhiều gia đình, nhất là những hộ Khmer nghèo, ít đất sản xuất đã có đời sống ổn định. Chính con bò sữa đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác cơ cấu giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bởi hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra sản phẩm khá ổn định.

OngDan

Ông Thạch Dân, ấp Bố Liên 1, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) là nông dân tiêu biểu trong chăn nuôi bò sữa để bà con ở địa phương học tập làm theo

Cơn mưa tầm tã của những ngày cuối tháng 10 (âm lịch) không làm chùn bước chúng tôi tìm đến nhà ông Thạch Dân ở ấp Bố Liên 1, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú). Ông là một trong những nông dân tiêu biểu của địa phương đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Khởi đầu với một con bò cái, giờ đây đàn bò của ông Dân đã lên tới hàng chục con.

Chúng tôi ghé đúng lúc ông Dân đang vệ sinh cho những con bò để chuẩn bị chiều vắt sữa kịp giao cho hợp tác xã. Quần áo ướt đẫm mồ hôi và khá mệt mỏi, nhưng gương mặt ông Dân luôn rạng rỡ niềm vui. Đưa đôi tay gân guốc lấy chiếc bàn chải mềm chà nhè nhẹ lên khắp thân con bò, ông Dân tâm tình: “Tổng số đàn bò trong chuồng hiện tại của gia đình là 33 con, trong đó có 30 con cái (hiện cho sữa là 14 con và 16 con hậu bị tầm 3 tháng nữa bắt đầu cho sữa). Mỗi ngày, vắt được khoảng 150kg sữa, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận trên dưới 1 triệu đồng. Khi đàn bò này đồng loạt cho sữa thì số tiền thu về sẽ tăng gấp đôi”.

Đưa tay kéo vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Dân nói tiếp: “Trước đây, tôi nuôi hơn 30 con bò sind thịt thấy hiệu quả kinh tế không cao, do vậy, tôi chuyển hướng sang nuôi bò sữa. Bước đầu, tôi mua một con bò sữa về nuôi thử nghiệm, mỗi ngày bò cho sữa khoảng 20kg, gặp thời điểm sữa có giá thu về tầm 240.000 đồng, tính ra có lời nên tôi mạnh dạn bán hết đàn bò thịt để mua 3 con bò sữa. Hơn 10 năm, số lượng cứ thế tăng dần. Ngoài số bò đang trong chuồng, trước đó, tôi đã bán hơn 20 con bê, đem về số tiền gần 200 triệu đồng”.

Để cung cấp đủ thức ăn cho bò, ông Dân tận dụng bờ kênh của ruộng lúa, cũng như những khoản đất trống trong vườn nhà và chuyển đổi 5 công đất đang làm lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò của gia đình ông lúc nào cũng cho sản lượng sữa cao. Ngoài ra, ông Dân còn đầu tư mua các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc nuôi bò như máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy băm cỏ… Ông còn đầu tư xây dựng hầm chứa chất thải của con bò để dùng làm chất đốt, nhằm không gây ảnh hưởng môi trường sống xung quanh cũng như đảm bảo không khí trong lành để đàn bò phát triển tốt. Trao đổi với chúng tôi, ông Dân cho biết thêm: “Trong thời gian tới, sẽ tăng đàn bò lấy sữa lên vài chục con và xin thủ tục thành lập trang trại nuôi bò – phát triển kinh tế gia đình”.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng Lâm Xưng cho biết: “Nhờ phát triển đàn bò sữa mà bà con tại địa phương đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững; nhiều hộ vươn lên khá, giàu, nhà cửa ổn định, tươm tất. Hiện tại, tổng đàn bò sữa trên địa bàn xã là 1.500 con, sản lượng sữa 6 tấn/ngày. Dự kiến trong năm 2018, đàn bò sữa tăng lên 200 con và hướng tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân, quản lý chăm sóc tốt đàn bò để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. Riêng với ông Thạch Dân, đây là hộ dân tiêu biểu, là một điểm sáng về phát triển chăn nuôi bò sữa để bà con ở địa phương học tập làm theo”.

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Tin liên quan

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổng kết công...

Sáng 04/01/2023, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ...

THÔNG BÁO: Lịch khai giảng lớp đào tạo KỸ THUẬT...

– Ngày khai giảng: Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2021 – Thời gian học: 21 ngày liên tục (học cả thứ 7 & Chủ nhật). – Giảng...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua