Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò thịt phát triển

Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi đàn gia súc lớn; trong đó, chăn nuôi bò thịt là mũi nhọn, có tính ổn định cao. Những năm qua, ngành chăn nuôi bò thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập đặt ra cho người chăn nuôi bài toán làm sao để phát triển đàn bò nhanh và bền vững; đồng thời, có sức cạnh tranh trên thị trường. Bài học từ thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng giống chính là “chìa khóa” để giải bài toán này.

Bài 1: Xây dựng thương hiệu “thịt bò Hà Nội”
Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội có tính ổn định và hiệu quả kinh tế cao, song khi các “cường quốc bò thịt” như Australia, Mỹ, Hàn Quốc… tiến vào Việt Nam thì ngành chăn nuôi bò thịt cũng ít nhiều cũng chịu tác động. Để không bị “thất thủ” ngay trên sân nhà, người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý, đặc biệt xây dựng thương hiệu tốt để làm cho ngành chăn nuôi bò thịt phát triển.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, mỗi năm, Hà Nội tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thịt bò; trong đó, nguồn cung của thành phố mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác và từ nước ngoài.

Không chỉ có nhu cầu tiêu thụ lớn, Hà Nội cũng là địa phương có điều kiện tốt để phát triển, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, có bò thịt với hơn 60% dân số sản xuất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên chia ra các vùng rõ rệt như đồi, núi, bán sơn địa, vùng bãi ven sông, vùng đồng bằng và vùng chiêm trũng.

Hà Nội hiện có 19 xã trọng điểm về chăn nuôi bò thịt, tập trung tại các huyện như Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ… Bà Nguyễn Thị Từ, người chăn nuôi bò ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm – một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt của thành phố, cho biết, với tổng đàn bò gần 1.800 con, những năm qua, việc chăn nuôi bò thịt đã giúp cho gia đình bà và nhiều hộ khác trong xã Lệ Chi ổn định cuộc sống, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm thịt bò cung cấp cho thị trường được đón nhận, có sức tiêu thụ ngày càng lớn, nên các hộ có xu hướng mở rộng chăn nuôi và kết nối với các đơn vị, địa phương khác để tiêu thụ.

Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt có khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế cao song sự phát triển vẫn chưa tương xứng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thịt bò nhập khẩu.
Tính đến tháng 6/2016, tổng đàn bò của thành phố đạt hơn 125.000 con, sản lượng thịt bò đạt trên 5.000 tấn. So với nhu cầu, lượng thịt bò cung ứng ra thị trường như vậy là còn rất “khiêm tốn”. Chất lượng thịt bò ở Hà Nội không thua kém các địa phương khác trong cả nước và không cách biệt nhiều so với thịt bò nhập ngoại. Song, thịt bò Việt vẫn gặp bất lợi về giá thành, dẫn đến khó cạnh tranh.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc, Trung tâm Phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội, cho biết, một trong các nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi bò thịt chưa phát triển mạnh là do tỷ lệ chăn nuôi bò trong khu dân cư còn cao, tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa những người chăn nuôi với nhau và với các cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thương hiệu thịt bò Hà Nội còn đang trong quá trình xây dựng.
Để ngành chăn nuôi bò thịt phát triển, việc xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc, ông Tạ Viết Hùng, Hợp tác xã đầu tư nông trại và phát triển bò BV (Hà Nội), khẳng định, giá trị thương hiệu chiếm 70% đến 80%, bởi thương hiệu khẳng định nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng và mức độ an toàn của thịt, tạo uy tín và niềm tin nơi người tiêu dùng.
Để xây dựng thương hiệu, trước hết phải quan tâm đến việc cải thiện chất lượng đàn bò. Không thể giữ mãi phương pháp chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống mà phải chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả, làm lợi cho người nông dân, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội nhận định.
Sớm nhận thức được điều này, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội đã mở 2 cửa hàng bán thịt bò sạch trên địa bàn Hà Nội và đang làm thủ tục mở thêm 3 cửa hàng; đồng thời, xây dựng lò giết mổ gia súc sạch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội, cho rằng, cần sớm hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ thịt bò trên địa bàn thành phố. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, giúp người sản xuất yên tâm về đầu ra cho sản phầm, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, đồng thời điều tiết được từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối giúp cho người sản xuất đỡ thiệt thòi.

Bài 2 – Làm tốt khâu giống, nâng cao chất lượng thịt
Trong sản xuất hàng hóa, muốn phát triển bền vững, trước hết phải nâng cao chất lượng con giống. Ngành chăn nuôi bò thịt cũng vậy, sản phẩm bò thịt của Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường, nếu chất lượng thịt không đảm bảo.
* Giống tốt, lợi nhuận cao

Không chỉ là một trong những tỉnh, thành có ngành chăn nuôi bò thịt phát triển nổi bật so với cả nước, Hà Nội còn được đánh giá là địa phương đi tiên phong trong việc cải tiến giống. Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã triển khai nhiều chương trình lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tầm vóc, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt của đàn bò đã được nâng lên đáng kể; tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho bò tăng mạnh, từ 24% vào năm 2010 lên 61% vào năm 2016, qua đó giúp đàn bò lai đạt trên 90%, bò cóc chỉ còn dưới 10%.
Sau khi phát triển giống, đàn bê lai hướng thịt các giống tốt như Brahman, Droghmaster, BBB, Angus… có ngoại hình đẹp, chất lượng tốt, đặc biệt hạn chế được dịch bệnh. Nhờ đó, giá bán bê giống tăng từ 2,5 triệu đồng/con đến 3 triệu đồng/con, giá bán thịt tăng từ 3 triệu đồng/con đến 5 triệu đồng/con so với bò sinh ra bằng phương pháp nhảy trực tiếp. Ước tính, thu nhập mỗi năm của người chăn nuôi từ tiền bán giống tăng thêm từ 50 tỷ đồng đến 60 tỷ đồng và từ tiền bán thịt tăng từ 120 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng.
Anh Đỗ Văn Xuất (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì), cho biết, để lai tạo ra những con bò chất lượng tốt, chi phí phối giống và nuôi dưỡng tăng lên so với trước, nhưng giá bán và lợi nhuận thu được cũng tăng thêm nhiều lần. Điều quan trọng là nhờ đó mà gây được giống tốt, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Do vậy, lai các giống mới bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là hướng đi chung của các hộ chăn nuôi bò thịt hiện nay.
Không chỉ làm lợi cho người chăn nuôi, việc cải tiến giống bò cũng góp phần tạo thêm lao động, tăng thu nhập cho đội ngũ nhân viên làm công tác giống. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, việc nhân giống bò thịt đã tạo việc làm cho trên 90 dẫn tinh viên cơ sở với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng. Một số dẫn tinh viên còn có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
*Cạnh tranh bằng chất lượng
Trước hàng loạt vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người chấp nhận mua sản phẩm với giá cao, miễn là hàng hóa phải có chất lượng tốt, đáng tin cậy. Bởi vậy, khi các sản phẩm nước ngoài tiến vào thị trường trong nước với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì hàng Việt nói chung, sản phẩm thịt bò nói riêng phải đi theo hướng đề cao chất lượng mới có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc, Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, cho biết, việc tạo giống bò thịt của Việt Nam cũng như của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Việt Nam hiện chưa có giống bò lai hướng thịt nào được cố định về di truyền giống và được công nhận là giống mới. Thêm nữa, lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nào về đánh giá, bình tuyển bò lai hướng thịt. Việc ghi chép số liệu, quản lý giống còn thiếu khoa học, không xác định được bò thịt lai bao nhiêu giống và bao nhiêu máu, do vậy chưa tạo được đàn bò thịt hạt nhân làm giống.
Định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ tăng quy mô đàn bò thịt lên 125.000 đến 130.000 con (tăng khoảng 20% so với hiện nay) và sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 11.000 tấn. Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo cho bò thịt, sử dụng tinh ngoại chất lượng cao, chọn bò cái tốt làm giống sinh sản, thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai các dự án nhằm giúp người chăn nuôi chủ động trong phát triển giống. Trong các dự án phát triển bò thịt đã thực hiện, dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai giống bò BBB trên nền bò lai Sind tạo đàn bò lai F1 trên địa bàn thành phố được đánh giá là bước đột phá ở Thủ đô. Thông qua dự án, bước đầu xuất hiện những trang trại thu gom bê giống F1 BBB với số lượng lớn để vỗ béo đến giết thịt, đây là tiền đề để đưa chăn nuôi bò thịt trở thành ngành sản xuất hàng hóa trọng điểm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội cho rằng, để chăn chuôi bò thịt phát triển thành một ngành nghề ổn định, bền vững, hiệu quả, trước hết Hà Nội phải chủ động sản xuất các loại tinh bò thịt cao sản. “Theo tính toán của chúng tôi, nếu thành phố tự sản xuất được tinh bò BBB thì giá thành chỉ vào khoảng 120.000 đồng đến 150.000 đồng/1 liều, chỉ bằng 30% đến 40% giá nhập ngoại. Với mức giá trên, khi hết dự án, nếu thành phố không còn hỗ trợ, người chăn nuôi vẫn dễ dàng tiếp cận”, ông Hải cho biết thêm.
Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, muốn phát triển giống, ngoài ứng dụng khoa học công nghệ vào lai tạo giống chất lượng cao, phải đặc biệt chú ý đến thức ăn cho đàn bò thịt. Thức ăn cho bò phải là cỏ sạch, nếu không chú ý đến chất lượng thức ăn, bò có thể tăng trưởng tốt về trọng lượng nhưng chất lượng thịt giảm sút do tích lũy mỡ, ảnh hưởng đến thương hiệu và giá thành trên thị trường.
Suy cho cùng, cải tạo giống là nâng cao chất lượng đàn bò từ gốc, từ bên trong, phục vụ mục tiêu lâu dài. Nếu có cách làm hay, hướng đi đúng, chắc chắn thị trường nội địa sẽ được giữ vững và quan trọng nhất là làm lợi cho người chăn nuôi, góp phần ổn định cuộc sống./.

Nguồn: Bộ NN&PTNT

Tin liên quan

Bế giảng lớp đào tạo Kỹ thuật phối giống nhân...

Ngày 08/4/2024 tại Trạm lưu giữ và cung ứng tinh giống gia súc – Từ Sơn, Bắc Ninh,  Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương...

Đoàn công tac Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đến...

Ngày 29/3/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã đến kiểm tra và làm việc với Trung tâm Giống...

Đại hội Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm giống...

09/03/2023 Quang cảnh Đại hội Trong không khí ấm áp của mùa xuân, dịp kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế Phụ nữ, sáng ngày...

Đến với VINALICA bạn sẽ có con giống tốt nhất Bỏ qua